Hầu hết mọi người đều có một nỗi sợ tự nhiên đối với rắn. Ở Trung Quốc có một khu bảo tồn thiên nhiên tên là đảo Đại Liên, nổi tiếng với những con rắn ở khắp mọi nơi.
Cách đây khoảng hàng chục triệu năm, nơi đây chỉ là một ngọn núi nhỏ nối với đất liền, môi trường tự nhiên rất tốt, chuỗi thức ăn hoàn chỉnh, cũng có đa dạng sinh học rất phong phú. Nhưng một chuyển động của lớp vỏ Trái đất đã thay đổi hoàn toàn diện mạo của thiên đường này. Lòng đất bị sụt lún, vùng nối giữa đỉnh núi và đất liền bị nước biển nhấn chìm khiến nó trở thành một hòn đảo cách xa đất liền, toàn bộ môi trường tự nhiên trở nên khép kín.
Những loài động vật sống sót sau trận động đất bắt đầu cuộc đấu tranh sinh tồn tàn khốc. Trong trận chiến khốc liệt này, loài rắn đã sống sót, trở thành người chiến thắng cuối cùng và là lãnh chúa đến ngày hôm nay.
Cho đến ngày nay, đã có gần 20.000 con rắn vipera (còn gọi là rắn lục) có nọc độc cực cao sống trên hòn đảo rộng chưa đầy 1 km vuông này. Không có loài rắn nào khác ngoại trừ chúng trên hòn đảo rắn này.
Tại sao một mình vipera có thể sống sót?
Một số loài động vật thường có trạng thái ngủ đông – trạng thái mà chúng nằm bất động để không tốn năng lượng và tránh bị giết hại bởi các loài ăn thịt khác. Riêng vipera là loài rắn duy nhất trên thế giới ngủ vào cả mùa đông và mùa hè.
Với khả năng này, chúng có thể không hoạt động trong thời gian dài nên không bị tiêu hao, không cần ăn tiếp để bổ sung năng lượng duy trì hoạt động sống.
Bên cạnh đó, hằng năm vào mùa xuân và mùa thu, các loài chim di cư sẽ đổ bộ vào hòn đảo này. Những con chim này đã trở thành nguồn thức ăn duy nhất của chúng.
Sau khi ăn xong, vipera sẽ tiếp tục hành trình ngủ dài vào mùa hè và mùa đông. Chu trình cung cấp năng lượng này là lý do khiến chúng có thể sống trong không gian nhỏ bé sau hàng chục triệu năm.
Nguồn: http://danviet.vn/ron-nguoi-voi-hon-dao-co-gan-20000-con-ran-doc-trong-1km2-50202123918582727.htm